Phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở
“ Điệu múa, tiếng khèn, tiếng hát “cự xia”
vang lên từ trường học, nhà văn hóa thôn bản và trong mỗi nếp nhà... lúc vui
tươi rạo rực, lúc dìu dặt, bổng trầm đầy mê hoặc và lôi cuốn lòng người. Những nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Mông
huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) đang được đồng bào nơi đây gìn giữ, bảo tồn và
phát huy”
Gây dựng, phát triển các CLB văn nghệ quần chúng
miền sơn cước
Cứ vào tối thứ 7 hằng tuần, sau những ngày lên nương rẫy, các
thành viên CLB Văn nghệ quần chúng lại tụ họp về Nhà văn hóa xã Tây Sơn để tập
luyện, trao đổi kinh nghiệm về dân ca, dân vũ và thổi khèn Mông. Năm 2022, Tây
Sơn là một trong ba CLB Văn nghệ quần chúng cấp huyện đầu tiên được UBND huyện
Kỳ Sơn vận động thành lập với 20 thành viên biết hát, múa, thổi khèn. Từ những thành
viên ban đầu là những người lớn tuổi, đến nay CLB đã thu hút thêm nhiều thành
phần, lứa tuổi khác nhau và nhân rộng đến các trường học trên địa bàn xã. Mỗi
bản đều có ít nhất một đội văn nghệ quần chúng biểu diễn trong các dịp lễ, Tết,
sinh hoạt động đồng…
bản
Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn
Nghệ nhân ưu tú Vừ Lầu Phổng sinh sống tại bản Huồi Giảng 1, xã
Tây Sơn là một trong những thành viên cốt cán của CLB. Ông Phổng được bà con ca
ngợi là “người giữ lửa” đầy đam mê và nhiệt huyết, đang từng ngày, từng giờ
sáng tạo, lưu giữ và trao truyền giá trị bản sắc văn hóa qua nhiều thế hệ. Ông
Phổng chia sẻ: “Với người Mông, nghệ thuật múa khèn là đặc trưng văn hóa có
tính thẩm mỹ, nhân văn, được bà con gìn giữ như là hồn cốt của mình. Những ngày
đầu mới thành lập, cán bộ văn hóa huyện và xã đã phối hợp hỗ trợ CLB xây dựng
quy chế, phân công nhiệm vụ cho từng người; mời các thành viên tham gia các
khóa tập huấn về biểu diễn nghệ thuật quần chúng do huyện và Sở Văn hóa và Thể
thao tỉnh tổ chức. Bên cạnh đó, Phòng Văn hóa huyện cũng đã hướng dẫn xây dựng
Hồ sơ đề xuất Trung tâm Văn hóa tỉnh hỗ trợ CLB mua sắm đạo cụ và trang phục.
Vào những dịp lễ, Tết, mọi người lại gặp gỡ, giao lưu, thi diễn giữa các đội
với nhau… Đề tài, nội dung các bài hát dân ca, tiết mục nghệ thuật phong phú,
đa dạng như: Bảo vệ môi trường, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng đời sống văn hóa nơi thôn, bản...
Nghệ
nhân ưu tú Vừ Lầu Phổng biểu diễn thổi Khèn
5 năm tham gia vào Ban Chủ nhiệm CLB nghệ thuật quần chúng và gần
như dành trọn cả cuộc đời với tiếng khèn Mông, ông Vừ Lầu Phổng đã cùng các
thành viên, nhân dân trong xã tham gia nhiều liên hoan, hội diễn văn nghệ quần
chúng và đạt được nhiều thành tích, giải thưởng, giấy khen, bằng khen từ cấp
Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Đặc biệt gần đây nhất, ông Phổng và CLB được mời tham
gia Chương trình Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm 2023 với
tiết mục Bản sắc người Mông và giành giải B toàn tỉnh.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống
tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch
Việc triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa
truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và
miền núi giai đoạn 2021-2030 đã và đang tạo ra động lực quan trọng để công tác
bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Mông ở xã Tây Sơn ngày càng
hiệu quả và đi vào thực chất.
CLB Tham
gia các lớp tập huấn bảo tồn
Tây Sơn là xã vùng cao cách trung tâm thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ
Sơn (Nghệ An) khoảng 10 km, toàn xã có 6 bản với 338 hộ, 1.783 khẩu, chủ yếu là
đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nơi đây có cánh rừng sa mu dầu rộng gần 100
ha, ngôi làng cổ xinh xắn với những mái nhà lợp gỗ mang nét văn hóa bản địa độc
đáo… đang là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.
Cùng với đó, hoạt động văn nghệ quần chúng phát triển cũng góp
phần không nhỏ trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nâng cao đời
sống tinh thần cho người dân, tạo sự đoàn kết, gắn bó và thấu hiểu lẫn nhau
trong cộng đồng. Xã Tây Sơn hiện có 191/338 gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 56,5%
(tăng 12% so với năm 2019); toàn xã có 6/6 nhà văn hóa bản (đạt tỷ lệ 100%).
Cùng với việc đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, các
hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân
tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch đã từng bước phát huy hiệu quả, tạo nền
tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh trên
địa bàn.
Theo bà Cụt Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kỳ
Sơn: “Những năm gần đây, Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
diễn ra sôi nổi, đem lại sức sống mới, tinh thần mới cho bà con miền sơn cước.
CLB văn nghệ quần chúng thu hút đông đảo nhân dân đủ thành phần, lứa tuổi nhiệt
tình tham gia. Đây là lực lượng hoạt động thường xuyên phục vụ công tác tuyên
truyền về nhiệm vụ chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước, tạo khí thế hăng say trong lao động sản xuất và đời sống của
các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tạo cơ sở cho bà con phát triển vốn văn hóa truyền
thống dân tộc, qua đó, tầm ảnh hưởng tích cực của văn nghệ quần chúng ngày càng
được khẳng định. Người dân ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng
đời sống văn hóa ở cơ sở, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, góp phần
quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững danh hiệu xã sạch
về ma túy”.