image banner
Bản sắc văn hoá (nhà) của đồng bào dân tộc thái tại huyện Kỳ Sơn

Về mặt tổ chức xã hội, người Thái sống định cư, cư trú thành bản ở các thung lũng màu mỡ ven các sông, suối, cánh đồng giữa núi. Họ cư trú trong các nhà sàn thành từng cụm, vài cụm thành một bản có khoảng 40 đến 50 nóc nhà. Mỗi bản của người Thái đều có nhiều gia đình, dòng họ khác nhau, có đất thổ canh, thổ cư, bãi cỏ chăn nuôi. Bản của người Thái thường lui vào chân núi, nơi có độ dốc thoải. Các bản nằm trên đường vành đai các thung lũng, nhiều bản hợp thành mường. Người Thái quy định các ngôi nhà trong một bản phải được thiết kế sao cho đòn dông của mỗi nhà chạy theo một hướng nhất định, tối kị đòn dông nhà này đâm thẳng vào mặt nhà kia. Mọi nhà trong bản đều quay mặt xuống cánh đồng và quay lưng vào núi. Về mặt xã hội, bản là một lãnh thổ của một cộng đồng tộc người, mường là một lãnh thổ của nhiều cộng đồng tộc người nhưng trong đó người Thái chiếm đa số. Đơn vị hạt nhân cấu thành nên bản người Thái là gia đình, gia đình người Thái là gia đình  nhỏ phụ hệ, chủ yếu là hai thế hệ với chế độ một vợ một chồng.

Anh-tin-bai

Nhà sàn truyền thống người Thái

Nhà ở truyền thống của người Thái ở tất cả các vùng đều là nhà sàn làm bằng gỗ, chắc chắn, các ngôi nhà đều dựng theo những quy định chặt chẽ. Nhà sàn của người Thái thường là 3 - 5 gian, cách thức bố trí mặt bằng sinh hoạt trên sàn nhà thường là: gian đầu tiên bên quản phía đầu giường là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, gian tiếp theo là nơi ngủ của ông bà, hoặc cặp vợ chồng chủ nhà, tiêp theo là nơi ngủ của vợ chồng con trai trưởng, vợ chồng con trai thứ,… con gái chưa chồng ngủ gian ngoài cùng phái chan (phái có sàn phơi), con trai chưa vợ thường ngủ ở gian quản, phía dưới bàn thờ tổ tiên, hoặc nơi dành cho khách. Không gian ngủ của cả gia đình để thông thoáng, không thương vách, trừ buồng ngủ của các con gái đã có chồng. Phân chia không gian nơi ngủ của các thành viên trong nhà được xác định bởi chiếc màn may bằng vải đen. Phía dưới nhà (phía chân nơi ngủ) thường đặt hai bếp, bếp phía chan để nấu ăn, bép bên quản dùng để sưởi ấm hoặc đun nước uống tiếp khách. Số gian nhà nhiều hay ít tùy từng gia đình, nhưng bắt buộc phải là số lẻ. Người Thái thích con số lẻ bởi họ quan niệm số chẵn là số “chết”, số lẻ mới là số của sự phát triển, cột chôn xuống đất, mái hình mai  rùa, hai đầu nóc hồi được trang trí khau cút - biểu tượng mang ý nghĩa chỉ vai trò, địa vị của các tầng lớp trong xã hội. Khau cút là hai tấm ván đóng chéo nhau hình chữ X trên đòn nóc, những gia đình quý tộc xưa còn làm thêm bông sen cách điệu ở giao điểm hai tấm ván và tám hình trăng khuyết hướng vào nhau so le trên khau cút. Kỹ thuật làm nhà của người Thái cũng thật kỳ công, tỉ mỉ. Ngôi nhà sàn truyền thống được làm bằng gỗ rừng và các loại cây tre, vầu, nứa… Chính vì thế trước khi làm nhà, việc kiên quyết là chọn và tích trữ gỗ. Việc chọn gỗ đối với người Thái có những quy tắc bất di bất dịch. Họ kiêng, không lấy những cây gỗ cụt ngọn, bởi ngoài ý nghĩa không trọn vẹn, không đầy đủ, cây gỗ cụt ngọn rất dễ có mối mọt, như thế sẽ gây tổn hại đến độ bền của ngôi nhà. Ngoài ra, gỗ tốt mà bị sét đánh thì cũng không lấy bởi người Thái cho rằng cái cây đó có ma, nó có cái gì đấy không lành. Thường những cây mọc một gốc hai ngọn lên họ cũng kiêng, ít dùng. Những cây có dây leo gọi là xà leo, giống như con rắn bám quanh thì họ cho rằng đó là điềm không lành. Về việc chọn chất liệu gỗ, bà con thường dùng gỗ nghiến, sau đến trò chỉ, những loại gỗ tốt, nhất là những loại gỗ mọc trên núi đá. Sau khi mang về phải ngâm từ 2 - 3 năm để không mối, không mọt thì mới làm nhà được. Như vậy, thông thường để làm nhà, người Thái phải chuẩn bị từ 2 đến 3 năm.

Anh-tin-bai

Bên trong ngôi nhà người Thái

Dù nhà được dựng bởi các loại cây thân gỗ, tre, nứa… nhưng điều độc đáo là trong quá trình thi công, người Thái không phải tốn bất cứ một chiếc đinh, mẩu sắt nào.Thay vào đó là cả hệ thống dây chằng, buộc thắt khá công phu và tinh xảo bằng lạt giang và mây. Khi làm nhà, người Kinh thường lắp mộng thắt, còn nhà sàn người Thái sử dụng những đòn dầm xuyên suốt qua các lỗ đục của các cột. Cách làm tưởng như đơn giản này lại rất chắc chắn. Thậm chí có những nếp nhà sàn tồn tại tới hàng trăm năm.

Dựng nhà xong thì tới phần lợp mái. Người Thái thường dùng cỏ tranh, cắt về phơi khô, đánh thành tranh rồi lợp mái. Ưu điểm của nhà mái tranh bao giờ cũng mát. Xưa nhà sàn người Thái thường có hai bếp, bếp trong và bếp ngoài. Khi nấu nướng thì khói xông lên càng làm tăng độ bền của mái.

Cầu thang dành riêng cho nam giới gọi là tang quản ở đầu nhà, thường có 7 bậc ứng với 7 vía. Còn cầu thang ở cuối nhà, bên trái dành cho phụ nữ, gọi là tang chan. Ngoài ra còn có Chan là phần sàn nhà được nối dài ra ngoài trời, nơi phụ nữ Thái thường múa hát, thêu thùa... Gầm sàn vừa là nơi giã gạo, vừa để nhốt gia súc.

Phòng VHTT
THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN KỲ SƠN
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Kỳ Sơn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Viết Hùng - Chủ tịch UBND Huyện; 
Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Kỳ Sơn

Trụ sở: Khối 1, thị trấn Mường Xén, Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An
Điện thoại: (0238) 3 875 108- Email: kyson@nghean.gov.vn