Ở miền Tây xứ Nghệ, người dân tộc Thái luôn tự hào về nghề thêu
dệt thổ cẩm truyền thống là một phần không thể thiếu trong đời sống và bản sắc
văn hóa của cộng đồng. Trong tâm thức mỗi người dân nơi đây, nghề thổ cẩm là
hồn cốt của dân tộc, là di sản văn hóa quý báu chứa đựng những kỹ thuật, tri
thức và giá trị mà các thế hệ trước đã dày công sáng tạo, gìn giữ và trao
truyền cho thế hệ sau. Kế thừa, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của dân
tộc, trong suốt nhiều năm qua, nghệ nhân Lô Thị Mai (sinh năm 1968) tại bản Na,
xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn đã trao truyền cho nhiều thế hệ học trò và được người
dân trong và ngoài vùng trân trọng và ca ngợi là “người truyền lửa” đầy đam mê,
nhiệt huyết, biểu tượng của sự tận tâm trong việc gìn giữ và phát huy giá trị
di sản văn hóa phi vật thể này.
Học hỏi và trau dồi nghề truyền thống
Sinh ra và lớn lên giữa núi rừng hùng vĩ, nơi tiếng suối róc rách
hòa quyện cùng tiếng thoi đưa, Lô Thị Mai đã gắn bó với nghề thêu dệt thổ cẩm
như gắn bó với lời ru ngọt ngào của mẹ từ thuở ấu thơ. Từ khi mới 10 tuổi, Mai
đã được mẹ truyền dạy những đường kim mũi chỉ đầu tiên, thấm đẫm tình yêu với
nghề truyền thống của dân tộc mình. Trải qua những năm tháng tuổi thơ bên khung
cửi, Lô Thị Mai không ngừng học hỏi, rèn giũa tay nghề và tích lũy kiến thức
văn hóa bản địa. Sự kiên trì và đam mê đã giúp cô trở thành một nghệ nhân dệt
thổ cẩm lành nghề, được nhiều người trong và ngoài bản ngưỡng mộ.
Khi trưởng thành, bằng bàn tay khéo léo của mình, Mai tạo ra nhiều
sản phẩm thổ cẩm tinh xảo phục vụ đời sống hằng ngày và làm quà tặng cho người
thân, qua đó gìn giữ nét văn hóa truyền thống qua từng đường dệt. Theo truyền
thống của dân tộc Thái, những sản phẩm thổ cẩm do các cô gái tạo ra là một phần
của hồi môn, món quà ý nghĩa cho gia đình nhà chồng trong ngày cưới.
Để tạo ra nguyên liệu thêu dệt thổ cẩm, Mai còn được mẹ truyền dạy kỹ năng trồng các loại cây để xe sợi dệt vải như
bông, đay, trồng dâu nuôi tằm... Quá trình nhuộm màu sợi vải cầu kỳ từ cây cỏ tự nhiên để
tạo ra các màu sắc sặc sỡ như xanh, đỏ, tím, vàng. Sau khi nhuộm, sợi phải được
phơi khô dưới ánh nắng mặt trời để lên màu đẹp rồi mới đưa vào dệt.
Nhờ kế thừa tri thức và kinh nghiệm nghề truyền thống của dân tộc,
cùng với sự kiên trì, khéo léo và tinh tế, nghệ nhân Lô Thị Mai đã trở thành
người thợ lành nghề. Bà có thể dệt những sản phẩm truyền thống như váy, áo,
khăn, chăn gối… Ngoài ra, bà còn sáng tạo ra các sản phẩm hiện đại ứng dụng thổ
cẩm độc đáo như khăn trải bàn, túi xách, ví, tranh treo tường... Những sản phẩm
thổ cẩm do bà Mai tạo ra luôn mang đậm bản sắc dân tộc Thái với những hoa văn
tượng trưng cho cây cỏ, hoa lá, muông thú, mặt trời, cũng như các biểu tượng
văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Trở thành người trao truyền di sản văn hóa
Năm 2005, thổ cẩm truyền thống trở thành nhu cầu tiêu dùng thị
trường trong và ngoài nước, đặc biệt là các xu hướng phát triển sản phẩm thời
trang thiết kế ứng dụng vải thổ cẩm để xuất khẩu. Nắm bắt xu thế đó, bà Lô Thị
Mai cùng với các chị em trong bản thành lập nhóm sản xuất dệt thổ cẩm với 15
thành viên. Từ sự hoạt động tích cực của nhóm này, phong trào dệt thổ cẩm đã
lan tỏa và phát triển hơn một trăm hộ gia đình trong bản tham gia, giúp bản Na
trở thành một trong những làng nghề đầu tiên của huyện Kỳ Sơn được UBND Nghệ An
công nhận và tặng Danh hiệu Làng nghề vào năm 2011. Từ đó đến nay, nghệ nhân Lô
Thị Mai luôn được dân bản tín nhiệm giữ vai trò Trưởng Làng nghề bản Na.
Trưởng Làng nghề bản Na thường xuyên quan tâm, hướng dẫn cho các bé
gái và phụ nữ trong bản kỹ năng trồng dâu, nuôi tằm, xe sợi, nhuộm, thêu dệt
thổ cẩm. Đồng thời, bà cũng truyền lại những tri thức và ý nghĩa của các loại
hình hoa văn thổ cẩm như: mặt trời, bông hoa, quả trám, con nai, con hươu, con
voi, đôi chim bồ câu, vũ hội rượu cần… Những hoa văn này mô phỏng những hình
tượng gắn với đời sống văn hóa cũng như gửi gắm tâm hồn và khát vọng của các
bậc tiền nhân mong muốn xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Nghệ nhân Lô Thị Mai hướng dẫn cho chị em phụ nữ trong bản dệt thổ cẩm
Bà Mai thường chia sẻ và động viên chị em trong bản: “Chúng ta thật sự may mắn vì được các cụ
ngày xưa truyền lại nghề truyền thống. Từ việc tạo nguyên liệu cho đến thêu dệt
thổ cẩm là quá trình lao động và sáng tạo của các bậc tiền nhân, là di sản quý
báu mà các thế hệ hôm nay phải gìn giữ và phát huy. Điều đó không chỉ là trách
nhiệm với các thế hệ mai sau mà còn là tình cảm và sự trân trọng đối với các
thế hệ trước. Bản thân tôi không phải trời cho tài năng giỏi giang hơn người,
mà nhờ sự chăm chỉ, cần cù và ham học hỏi nên mới có được kỹ năng và am hiểu về
nghề truyền thống của người Thái.”
Bởi niềm đam mê và trách nhiệm gìn giữ nghề, bà Mai đã tận tâm
truyền dạy cho thế hệ trẻ trên địa bàn huyện. Từ năm 2007, bà đã phối hợp với
chính quyền địa phương, Hội LHPN, Nông dân, Trung tâm đào tạo nghề… tổ chức
nhiều lớp tập huấn, hội thảo và hội nghị về nghề dệt thổ cẩm tại các bản, xã
trên địa bàn huyện. Từ đó, giúp phụ nữ và trẻ em gái hiểu và tiếp cận nghề
truyền thống. Đến nay, hơn 250 học viên đã được bà hướng dẫn, nhiều người trong
số họ đã tiếp nối nghề dệt thổ cẩm, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống,
đồng thời tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và cộng đồng.
Chị Lữ Thị Hoa – một học trò tiêu biểu của nghệ nhân Lô Thị Mai
chia sẻ: “Luôn biết ơn bà Mai đã truyền
dạy cho tôi nghề thêu dệt thổ cẩm, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ tiêu dùng và
bán cho khách hàng để nâng cao thu nhập. Bên cạnh truyền dạy kiến thức, kỹ năng
thêu dệt thổ cẩm, bà Mai luôn truyền cảm hứng cho học viên về giá trị văn hóa
dân tộc. Bà luôn nhấn mạnh rằng: mỗi sản phẩm thổ cẩm được tạo ra phải là tác
phẩm nghệ thuật gửi gắm tâm tư tình cảm, chứa đựng cả lịch sử và bản sắc văn
hoá của dân tộc Thái.”
Một hành trình đẹp trên con đường thổ cẩm
Nghệ nhân Lô Thị Mai luôn trăn trở làm sao để thổ cẩm có thể trở
thành hàng hoá độc đáo mà phù hợp với nhiều người, nhiều thị trường khác nhau.
Chính vì vậy, bà Mai đã sáng tạo, biết cách kết hợp các yếu tố truyền thống với
nhu cầu của thị trường, giúp chị em tạo nhiều mẫu mã sản phẩm đa dạng. Năm
2018, bà Mai tham gia thành lập Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Hoa Ban Xanh và
phối hợp với Trung tâm Craft
Link – một bước tiến
quan trọng trong việc đưa nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái đến với người tiêu
dùng trong nước và xuất khẩu ra thế giới. Từ đó, việc tổ chức sản xuất thổ cẩm
được chị em các làng nghề trên địa bàn huyện Kỳ Sơn quan tâm chỉn chu hơn từ
khâu thiết kế, chọn nguyên liệu, dệt tạo hoa văn cho đến xây dựng thương hiệu
nhãn mác, kết nối tiêu thụ, phân phối lợi ích… tạo thành chuỗi giá trị.
Nghệ nhân Lô Thị Mai làm giảng viên tập huấn cho nhiều lớp nâng cao tay nghề dệt thổ Cẩm trên địa bàn huyện
Ngoài ra, nghệ nhân Lô Thị Mai còn tích cực tham gia nghiên cứu,
sưu tầm và bảo tồn các mẫu hoa văn truyền thống, ghi chép lại những giá trị văn
hóa quý báu của dân tộc Thái. Các hội thảo và lớp tập huấn do bà phối hợp tổ
chức đã nâng cao nhận thức cộng đồng về sự quan trọng của nghề dệt thổ cẩm,
khuyến khích thế hệ trẻ tham gia bảo tồn và phát huy di sản này. Thông qua hoạt
động kết nối với các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp xã hội đã mở rộng
quy mô sản xuất, đưa sản phẩm thổ cẩm của dân tộc Thái ra thị trường quốc tế.
Điều này đã giúp bảo vệ và phát huy nghề truyền thống và nâng cao giá trị kinh
tế cho cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc.
Với những đóng góp không mệt mỏi, nghệ nhân Lô Thị Mai đã nhận
được sự trân trọng và yêu mến từ cộng đồng. Tại Hội thi tay nghề thợ giỏi lĩnh
vực tiểu thủ công nghiệp tỉnh Nghệ An năm 2019, Lô Thị Mai được Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã
tặng giấy khen đạt giải Nhất; năm 2020 được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng
danh hiệu “Thợ Giỏi”; giấy khen của UBND huyện Kỳ Sơn vì có thành tích xuất
sắc trong thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc huyện Kỳ
Sơn giai đoạn 2021 - 2025 và
nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành trên các lĩnh vực khác. Những
giải thưởng và khen thưởng mà bà nhận được là sự ghi nhận cho những đóng góp
của bà, đồng thời là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng trong việc bảo vệ
và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Thái.
Lãnh
đạo tỉnh, huyện tham quan gian hàng sản phẩm thổ cẩm của địa phương
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, ông Nguyễn Viết Hùng ghi nhận: trong những năm qua, với sự tận tâm và đam
mê của mình, nghệ nhân Lô Thị Mai đã có những đóng góp quan trọng trong việc
gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, giúp nghề dệt thổ cẩm vượt ra ngoài không
gian địa bàn huyện, đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, mang lại sự
phát triển bền vững cho cộng đồng và góp phần nâng cao giá trị văn hóa Việt Nam
trong mắt bạn bè quốc tế.
Nghệ
nhân Lô Thị Mai được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận vì đã có nhiều
đóng góp quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc
Rời bản Na trong một chiều nắng ấm, nhìn hai bên đường những ruộng
dâu xanh rập rờn vươn mình trong gió, trong lòng chúng tôi lâng lâng niềm vui
và tự hào về những di sản quý báu của dân tộc. Nếu như thế giới có “con đường
tơ lụa” kết nối giao thương giữa phương Đông và phương Tây trong nhiều thế kỷ,
thì ở miền Tây xứ Nghệ, những nghệ nhân như Lô Thị Mai đã dành cả cuộc đời tận
tâm với nghề truyền thống. Các nghệ nhân ấy đã dệt nên “con đường thổ cẩm” –
một con đường mang đậm giá trị văn hóa, nối nhịp quá khứ với hiện tại, góp phần
mang lại sự phát triển bền vững cho cộng đồng, đồng thời chắp cánh cho tâm hồn
và những ước mơ, khát vọng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của các thế hệ đến mọi
miền Tổ quốc và vươn ra thế giới.