Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 2022 tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, hoa màu, công trình hạ tầng, dân sinh… tổng thiệt hại trên 100 tỷ đồng. Đặc biệt, toàn huyện có hơn 10 ha ruộng nước bị đất đá vùi lấp dày từ 1,3 đến 1,5 mét không thể khôi phục được. Hai bản Hòa Sơn và Sơn Thành (xã Tà Cạ) bị thiệt hại nặng nề nhất về nhà cửa tài sản, nghiêm trọng là sạt lở đất đá tại Bản Hòa Sơn đất đá vùi lấp gần 6 ha ruộng nước.
Sau lũ quét, Huyện ủy - UBND huyện Kỳ Sơn đã tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống lâu dài cho bà con, nhất là khu vực tái định cư, đất đai sản xuất cho vùng diện tích ruộng bị vùi lấp và nhất là cho các Bản Hòa Sơn, Sơn Thành. Trong “cái khó, ló cái khôn” phòng Nông nghiệp huyện đã tham mưu xây dựng và chỉ đạo xây dựng mô hình sản xuất rau sạch trên đồi. Những hộ gia đình tham gia chuyển đổi mô hình sản xuất được huyện hỗ trợ phương tiện máy móc cải tạo đất, vật tư phân bón, giống, hệ thống đường ống dẫn nước, lưới…
Với mô hình này bản Hòa Sơn đã có 11 hộ gia đình tham gia mô hình chuyển trong sản xuất như: Trồng dưa siêu quả, bầu siêu ngọn và kết hợp với chăn nuôi cá, lợn đen, gà đen, bò. Trong vụ Đông Xuân 2022-2023 đã cho thu nhập khá, điển hình như gia đình ông Vi Văn Dũng (bản Hòa Sơn) đã cải tạo hơn 2000 m2 vườn để trồng trồng dưa, rau, bầu, bí… ngoài ra hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, bò, ao cá, tổng thu nhập vụ Đông Xuân vừa qua gần 40 triệu đồng (chưa kể nguồn thu nhập từ chăn nuôi bò).
Theo ông Vi Văn Dũng “sản xuất theo mô hình kinh tế vườn đồi ở đây theo phương thức xen liên tục, nếu chủ động khắc phục được yếu tố thời tiết như nắng nóng vào mùa hè, úng về mùa mưa thì sẽ có thu nhập ổn định”, đây là mô hình rất hiệu quả cần được quan tâm đầu tư nhân rộng. Một số hình ảnh về chuyển đổi sản xuất rau sạch có hiệu quả của gia đình Ông Vi Văn Dũng ở bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ huyện Kỳ Sơn).