Mặc dù mới vào đầu mùa mưa, nhiều ngày
qua mưa liên tiếp, nước lũ ở các khe, suối ở huyện vùng cao Kỳ Sơn dâng cao làm
ngập nhiều điểm cầu tràn gây ách tắc và chia cắt giao thông, việc lưu thông đi
lại của người dân gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn giao
thông.
Mặc dù mới vào đầu mùa mưa, nước lũ làm ngập nhiều điểm cầu
tràn khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Những ngày này mặc dù lượng mưa trên
địa bàn huyện Kỳ Sơn đã giảm, nhưng tuyến đường liên xã nối Quốc lộ 7A vào các
Hữu Lập và Bảo Nam vẫn thường xuyên bị chia cắt, do nước lũ dâng cao, làm ngập
cầu tràn tại bản Xốp Thập, xã Hữu Lập, gây chia cắt giao thông, khiến việc đi lại
của bà Lương Thị Xén
Mun, bản Xốp Thập, xã Hữu Lập, cũng như nhiều người dân đi lại trên tuyến đường
này gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân vượt lũ tại các điểm cầu
tràn
Bà bà Lương Thị Xén Mun, bản Xốp Thập,
xã Hữu Lập, chia sẻ: “Nhà tôi ở phía sau này, còn khu vực sản xuất thì ở bên
này, nên hàng ngày tôi phải đi qua dòng nước lũ này để đi làm nương, biết là nước
lũ về nguy hiểm nhưng cũng mảo hiểm lội qua, vì cỏ rẫy lên cao lắm rồi. Mùa này
nước về ít, còn đi qua, đi lại được, đến tháng 9, tháng 10, nước to trẻ nhỏ đi
học càng khó khăn hơn.”
Tuyến đường nối từ Quốc lộ 7A vào
trung tâm các xã Hữu Lập, Bảo Nam và một số bản của xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn
có tổng chiều dài khoảng 35km. Đây là tuyến đường độc đạo để đi ra trung tâm thị
trấn Mường Xén của gần 2.000 hộ dân. Tuy nhiên, việc vận chuyển, thông thương
nông sản, trâu bò, hàng hóa thiết yếu, vật liệu xây dựng… ra vào địa bàn các xã
nói trên đang gặp rất nhiều khó khăn, do điểm nghẽn giao thông tại các điểm cầu
tràn khá thấp, thường xuyên bị mưa lũ chia cắt, cô lập.
Hỗ trợ người dân đưa phương tiện giao thông qua cầu tràn tại
bản Xốp Thập, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn.
Theo ông Kha Văn Thìn, Bí thư Chi bộ
bản Xốp Thập, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, chia sẻ: “Để tránh những tai nạn có
thể xẩy ra khi nước lũ dân cao, Chi bộ,
ban quản lý bản Xốp Thập đã cắt cử lực lượng tại chỗ tổ chức canh gác và hỗ trợ
người dân đi qua cầu tràn. Nhân dân mong muốn sớm có cầu, để giáo viên, học
sinh và nhân dân lưu thông dễ dàng.”
Huyện Kỳ Sơn đã bố trí và phân công các lực lượng túc trực,
chốt chặn hỗ trợ người dân qua cầu tràn khi nước lũ về.
Là huyện có diện tích tự nhiên chủ yếu
là núi cao, có độ dốc lớn, chiếm đến 99%, hệ thống sông, suối chằng chịt, chia
cắt các tuyến đường giao thông. Theo số liệu của UBND huyện Kỳ Sơn, trên các
tuyến đường liên xã, liên bản trên địa bàn huyện, hiện có 22 cầu tràn, dù hàng
năm đều được duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ thường xuyên bị chia
cắt, cô lập do lũ ống, lũ quét, tiềm ẩn nhiều rủi ro gây mất an toàn cho tính mạng
và tài sản của người dân.
Ông Lô Văn Thái, Trưởng Phòng Kinh tế
Hạ tầng huyện Kỳ Sơn, chia sẻ thêm: “Do hạn chế về mặt kinh phí hàng năm huyện
thường xuyên chỉ đạo các xã tổ chức nạo vét thanh thải lòng khe tại các cầu
tràn, thời điểm có lũ bố trí trực chốt hàng ngày, cắm biển báo cảnh báo. Phương
án lâu dài thì cũng kiến nghị cấp trên cũng như các nhà tài trợ, các nhà hảo
tâm có kinh phí hỗ trợ cho địa phương xây dựng các cầu cứng để dần dần khắc phục
các hiện trạng trên.”
Theo số liệu của huyện Kỳ Sơn hiện trên địa bàn có 22 cầu
tràn trên các tuyến đường liên xã, liên bản cần kinh phí lớn để xây dựng cầu cứng.
Tai nạn rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào,
vì hàng ngày người dân vẫn phải tự hỗ trợ nhau vượt qua các dòng lũ tại các điểm
cầu tràn. Hơn lúc nào hết các ngành chức năng, các đơn vị liên quan cần sớm có
giải pháp xây dựng các cầu cao hơn để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện
lưu thông tại các điểm cầu tràn này.