Cần lắm sự chung tay giúp đỡ nạn nhân bom, mìn khó khăn ở vùng cao Nghệ An
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau vẫn
còn đó, ngay giữa thời bình nhưng vẫn có những nạn nhân mất mạng do bom, mìn
sót lại, những người may mắn giữ được tính mạng, nhưng cũng mang thương tật suốt
đời, họ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, lao động và phát triển kinh tế.
Phóng sự được thực hiện tại xã vùng cao Chiêu Lưu, địa phương có nạn nhân bị
thương và thiệt mạng nhiều ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.
Vào năm 1997 anh Lo Văn Hiến, bản Khe Nằn là một trong 13 nạn
nhân bị thương nặng trong vụ bom bi phát nổ tại trường Tiểu học xã Chiêu Lưu.
Theo chân đoàn công tác của xã Chiêu
Lưu, huyện Kỳ Sơn, chúng tôi vượt bằng sông Nậm Mộ chiếc thuyền máy vào ngày nước
lũ lên, sau đó tiếp tục đi bộ gần 30 phút thì cũng đến được nhà của gia đình anh
Lo Văn Hiến, bản Khe Nằn, một trong 13 nạn nhân bị thương nặng trong vụ bom bi nổ
tại trường Tiểu học xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, vào năm 1997, khiến 6 em học
sinh thiệt mạng tại chỗ. Mặc dù may mắn sống sót, nhưng do thương tích khá nặng,
một chân anh Hiến bị tật, sức khỏe giảm sút, điều kiện đi lại khó khăn, bố, mẹ
lại mất sớm, anh Hiến lớn lên trong tình thương và sự bao bọc của người dân
trong bản.
Thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn, kinh tế của gia đình
anh Hiến chủ yếu trông chờ vào đàn gia cầm này.
Sau khi lập gia đình anh Hiến cùng với
vợ dựng một chòi nhỏ ở hẳn trong khu vực sản xuất. Là lao động chính trong gia
đình, nhưng sức khỏe yếu, anh Hiến không thể gánh vác được những công việc nặng
nhọc, nên hoàn cảnh của gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Lo Văn Hiến, chia sẻ: “Do vụ nổ
bom bi trong trường học năm 1997, khiến chân tôi bị đứt và nát hết, từ đó đến
nay thành người tàn phế, sức khỏe thì yếu dần, nên không có việc làm phù hơn,
lao động làm nương, làm rẫy cũng không đi nổi, hiện cuộc sống gia đình gặp rất
nhiều khó khăn”.
Theo Chính quyền xã Chiêu Lưu, huyện
Kỳ Sơn, từ năm 1997 đến năm 2000, trên địa bàn xã xẩy ra 2 vụ tai nạn do bom
mìn, làm chết 9 người, 48 người bị thương. Hầu hết các nạn nhân này đều thuộc
diện hộ nghèo, khó khăn ở địa phương. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã
cũng tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà các hộ gia đình có nạn nhân bị
thương tích do bom mìn vào các ngày lễ Tết, cũng như vận dụng các nguồn tài trợ
từ các nhà hỏa tâm, từ thiện nhằm động viên và xao dụi nỗi đau cho những người
không may bị tổn thương do bom, mìn. Tuy nhiên, theo bà Vi Thị Đắm, Phó chủ tịch
UBND xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn, chia sẻ: “Những phần kinh phí đó cũng chỉ mang
tính hỗ trợ ban đầu, không đủ để trang trải và giúp các nạn nhân phát triển sinh
kế, nhất là các nạn nhân bị nặng, hiện họ hiện gặp rất nhiều khó khăn, do không
có việc làm và thu nhập. Rất mong muốn từ chương trình này các nhà hảo tâm, những
mạnh thường quân, quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ tạo việt làm, hoặc có chính sách tuyển
dụng những nạn nhân bị tai nạn bom, mìn này.”
Nhằm hỗ trợ các nạn nhân bị tai nạn bom
mìn trên địa bàn huyện Kỳ Sơn cải thiện cuộc sống và phát triển sinh kế gia
đình, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã hỗ trợ số tiền 170 triệu
đồng mua gà giống và trao tặng 10 chiếc xe đạp cho gia đình các nạn nhân bị tai nạn bom
mìn và học nghèo vượt khó. Ngoài ra, hội cũng tổ chức chương trình tuyên truyền
nâng cao nhận thức cho người dân xã Chiêu Lưu trong phòng tránh tai nạn bom mìn.
Trao gà giống hỗ trợ nạn nhân tai nạn bom mìn phát triển
sinh kế
Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó Chủ tịch
thường trực Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, chia sẻ: “Với
chúng tôi được đến với bà con huyện Kỳ Sơn nói chung và nạn nhân bị tai nạn bom
mìn xã Chiêu Lưu nói riêng là một phần trách nhiệm chúng tôi phải đến, để giúp
đỡ đồng bào, để chia sẻ những khó khăn của đồng bào, giúp đồng bào thoát nghèo,
vươn lên để phát triển kinh tế xã hội, tái hòa nhập cộng đồng.”
Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các nạn nhân bị tai nạn bom
mìn
Chị Đậu Thị Mão, bản Cù xã Chiêu Lưu
là 1 trong 45 nạn nhân bị tai nạn bom, mìn trên địa bàn xã Chiêu Lưu, được Hội
hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, hỗ trợ hơn 50 con gà đen giống. Theo
chị Mão chia sẻ: “gia đình rất cảm ơn Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn
Việt Nam, đã hỗ trợ gia đình, đây thật sự là niềm động viên an, ủi rất lớn đến
với chúng tôi, gia đình sẽ cố gắng chăn nuôi và nhân rộng mô hình này”.
Với những khó khăn mà nạn nhân bom,
mìn đang gặp phải, mặc dù các nạn nhân đã được hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh
thần. Tuy nhiên, do thương tật nặng, sức khỏe yếu, không thể tự lao động, cũng
như kiếm được việc làm phù hợp, tạo thu nhập trang trải cuộc sống, nên điều kiện
kinh tế của các nạn nhân tai nạn bom mìn trên địa bàn huyện vùng cao Kỳ Sơn, gặp
rất nhiều vất vả, cần lắm sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội để nạn nhân bom,
mìn bớt đi nhọc nhằn.