image banner
Gương điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu của xã NTM Hữu Kiệm

Nhờ nguồn vốn vay chính sách xã hội, cùng với tư duy đổi mới, giám nghĩ, giám làm gia đình ông Lữ Văn May, hộ người đồng bào Khơ Mú, bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn đã đầu tư phát triển gia trại chăn nuôi tổng hợp có hiệu quả, mang lại thu nhập cao, ổn định, là mô hình được nhiều hộ đồng bào miền núi học tập, bản thân ông May là điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng Nông thôn mới của xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An)

Anh-tin-bai

Ông Lữ Văn May (người đội mũ) đang giới thiệu cho cán bộ xã Hữu Kiệm về chăn nuôi gà địa phương mỗi năm thu lợi từ 5 đến 10 triệu đồng.

 Ông Lữ Văn May sinh năm 1963, trong một gia đình người dân tộc Khơ mú nghèo ở bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn. Trước những năm 1995 đến năm 2019, bản Đỉnh Sơn 1, là một trong những bản làng nghèo và khó khăn nhất của xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn. Thấu hiểu được tập quán du canh, du cư theo mùa nương rẫy là nguyên nhân của đói nghèo lạc hậu ở đồng bào Khơ Mú mình, ông May, đã quyết tâm chuyển hướng sản xuất, bỏ hẳn phương thức sản xuất nương rẫy sang chăn nuôi gia súc, gia cầm thương phẩm.

 Năm 1987, sau 3 năm lập gia đình, hai vợ chồng ông May lập gia trại trên vùng đất nương rẫy cũ của gia đình để chăn thả giống bò địa phương. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nên đàn bò của gia đình chậm phát triển, hao dần do bệnh tụ huyết trùng, kinh tế gia đình vẫn luẩn quẩn với đói nghèo.

Anh-tin-bai

Lọt giữa đại ngàn núi rừng Miền Tây của Nghệ An, mô hình gia trại chăn nuôi của gia đình ông Lữ Văn May, đang trở thành điểm sáng thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương.

 Qua nhiều lần thất bại nhưng không làm ông May nản chí. Để có nguồn vốn tiếp tục đầu tư mua giống vật nuôi, năm 2005 ông May mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách 30 triệu đồng, từ chương trình “cho vay hộ nghèo”. Bằng số vốn này gia đình ông mua thêm Dê, Lợn, Gà, Ngan và đào thêm ao nuôi cá để lấy ngắn nuôi dài, trên diện tích đất hơn 5 ha, gia đình ông May chăn nuôi nhiều loại vật nuôi. Đồng thời ông cũng đầu tư xây dựng gia trại kiên cố hơn, làm chuồng nuôi nhốt gia súc, trồng thêm cỏ voi, cây sắn để bổ sung thêm thức ăn cho đàn vật nuôi vào mùa khô. Ông May cũng đăng ký và tham gia các lớp học, lớp tập huấn, hưỡng dân kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò, cách phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, do xã phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức. Sau nhiều năm tích cực chăm sóc, mày mò cách phòng trừ dịch bệnh, cũng như nỗ lực thoát nghèo của bản thân, đến nay gia đình ông Lữ văn May đã có gia trại chăn nuôi tổng hợp, thường xuyên duy trì từ 20 đến 30 con bò, 15 đến 20 con lợn đen địa phương, 20 đến 25 con dê và hàng trăm con gia cầm. Trung bình mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.

 “Trước đây gia đình ta nghèo lắm, làm rẫy lúa không đủ ăn, chăn nuôi thì dịch bệnh chết hết. Nhưng nhờ được vay vốn mở rộng gia trại, chăn nuôi thêm nhiều loại vật nuôi và được Trạm khuyến nông và trạm thú y huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh, nay đàn vật nuôi gia đình phát triển nhanh, năm nào cũng đẻ nhiều, bán được nhiều tiền lắm, giờ gia đình ta không còn nghèo nữa, làm được nhà đẹp ở rồi, không sợ nghèo đói nữa.” Ông  Lữ Văn May, chia sẻ.

Anh-tin-bai

Mô hình chăn nuôi giống gà tre (giống gà rừng) của gia đình ông May phát triển nhanh, bắt đầu bán gà giống.

Khi cuộc sống của gia đình đã khấm khá, có nguồn vốn tích lũy, ông Lữ Văn May, đã đầu tư 80 triệu đồng mua vật liệu và được nhân dân trong bản giúp ngày công làm đường bê tông vào khu gia trại sản xuất của gia đình, vừa thuận tiện cho việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi, trao đổi mua bán của gia đình lại tạo điều kiện cho việc đi lại lưu thông hàng hóa cho hơn 40 hộ dân của bản Đỉnh Sơn 1.

“Con đường này ngày trước dốc đá lởm chởm, mùa mưa thì trơn trượt khó đi lắm. Nay may có ông Lữ Văn May làm đường bê tông mới, người dân ta đi qua đi lại vào rừng hái măng, kiếm củi cũng dễ đi hơn, làm được lúa, ngô nhiều dùng xe máy chở cũng nhanh hơn, không phải dùng sức người bế như ngày trước nữa.” Bà Ốc Thị Lợi, người cùng bản phấn khởi chia sẻ.

Anh-tin-bai

Sau nhiều năm tích cực chăn nuôi, sản xuất, hiện nay gia đình ông Lữ Văn May đã dựng được một ngôi nhà sàn 4 gian kiên cố, mái lợp ngói và thuộc diện nhà đẹp nhất bản bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Không chỉ phát triển trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm truyền thống ông May còn nhận khoanh nuôi, bảo vệ gần 9 ha rừng làm chỗ nuôi giống gà tre (giống gà rừng). Nhờ bám đất, bám rừng mà gia đình ông May không còn đốt rừng làm rẫy như trước đây, mà tập trung đầu tư, khai hoang để phát triển diện tích trang trại của mình. Đối với bà con bản Đỉnh Sơn 1 nói riêng và Hữu Kiệm nói chung, ông May chính là điểm tựa tinh thần để giúp họ tin vào sức lao động và ý chí có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

“Mô hình gia trại chăn nuôi và bảo vệ rừng điển hình của xã Hữu Kiệm, mô hình của gia đình ông May phát triển toàn diện, có thời điểm nuôi đàn bò hơn 50 con, cùng nhiều loại gia súc, gia cầm và bảo vệ rừng. Đây cũng là mô hình điểm để bà con ở các bản làng khác trong xã và các xã lân cận học tập, nhân rộng.” Ông Lô Mạnh Quân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hữu Kiệm cho biết.

“Hữu Kiệm là địa phương đầu tiên của huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, về đích NTM vào năm 2020. Tuy nhiên, để củng cố thêm các tiêu chí Nông thôn mới, cũng như xây dựng Nông thôn mới nâng cao thì xã đang có chủ trương kiên cố hóa các tuyến đường nội thôn, nội đồng, đường vào các khu sản xuất, gia đình ông May đã mạnh giản đầu tư thuê máy múc, hiến đất đào đường và mua vật liệu để bê tông hóa tuyến đường vào khu vực sàn xuất, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế gia đình, lại vừa giúp việc lưu thông, đi lại của người dân. Có thể nói ông Lữ Văn May, là một trong những điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu của xã Hữu Kiệm, nhất là trong phong trào “Xây dựng NTM” của xã.” Ông Lô Mạnh Quân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn khẳng đỉnh.

 

 

 

Cụt Hạnh
THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN KỲ SƠN
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Kỳ Sơn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Viết Hùng - Chủ tịch UBND Huyện; 
Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Kỳ Sơn

Trụ sở: Khối 1, thị trấn Mường Xén, Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An
Điện thoại: (0238) 3 875 108- Email: kyson@nghean.gov.vn