13/12/2024
Tổng kết mô hình “Chăn nuôi gà đen thương phẩm theo hướng an toàn sinh học”, năm 2024
Ngày 12/12, tại xã Huồi Tụ, huyện Kỳ
Sơn, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội nông dân huyện Kỳ Sơn, tổ chức
hội nghị tổng kết mô hình “Chăn nuôi gà đen thương phẩm theo hướng an toàn sinh
học”, năm 2024.
Mô hình “Chăn nuôi gà đen thương phẩm theo hướng an toàn
sinh học” được triển khai từ tháng 6 năm 2024, đến tháng 9 bắt đầu cấp giống
và triển khai nuôi.
Mô hình “Chăn nuôi gà đen thương phẩm
theo hướng an toàn sinh học” được Hội Nông dân tỉnh Nghệ An hỗ trợ về kinh phí
thông Hội nông dân huyện Kỳ Sơn triển khai từ tháng 6 năm 2024, đến tháng 9 bắt
đầu cấp giống và triển khai nuôi tại bản Huồi Mũ, xã Huồi Tụ, với 5 hộ nông dân
tham gia, quy mô 900 con gà giống. Các hộ tham gia mô hình là các hộ đồng bào
dân tộc Mông, thông qua mô hình người dân được hỗ trợ 180 con giống mỗi hộ, cùng
với đó là thức ăn, vắc xin, hóa chất sát trùng, chế phẩm sinh học, bóng đèn úm
gà. Trong thời gian thực hiện mô hình, cán bộ hội nông dân huyện Kỳ Sơn cũng
triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng an
toàn sinh học cho các hộ tham gia mô hình và các hộ dân là đồng bào dân tộc
Mông trên địa bàn xã Hồi Tụ có nhu cầu phát triển chăn nuôi gà đen, nâng cao
thu nhập từ con gà đen đặc sản.
Quy mô 5 hộ nông dân tham gia, với 900 con gà giống.
Bước đầu mô hình đạt tỷ lệ nuôi sống
trên 99%, trọng lượng trung bình đạt từ 1,7 đến 2kg trên một con. Từ hiệu quả 5
hộ tham gia, xã Huồi Tụ đang đã lên kế hoạch nhân rộng mô hình chăn nuôi gà đen
bản địa theo hướng an toàn sinh học, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa
phương.
Khen thưởng các chủ hộ có nhiều đóng góp trong chăn nuôi và
xây dựng mô hình gà đen thương phẩm.
Gà đen bản địa Kỳ Sơn là một trong những
giống gà đặc sản trên thị trường. Gà có thịt chắc, thơm ngon, giá trị dinh dưỡng
và giá trị kinh tế cao. Theo giá thị thường hiện tại, gà đen bản địa được bán với
giá 220.000 - 250.000 đồng/kg.
Lữ Phú