Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm giao dịch một cửa thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh Hồng Sơn
Đổi thay từ thị trấn Mường Xén
Ông Nguyễn Văn Thành, thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) chia sẻ: “Từ khi địa phương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các dịch vụ công trực tuyến, tôi thấy rất thuận lợi trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Các thủ tục đều được giải quyết nhanh chóng và chính xác, đúng hẹn. Điều đó giúp người dân tiết giảm được rất nhiều thời gian, chi phí, công sức”.
Thị trấn Mường Xén là địa phương tiên phong trong CCHC và chuyển đổi số của huyện Kỳ Sơn. Quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Ông Lương Văn Biên – Chủ tịch UBND thị trấn Mường Xén chia sẻ: “Đến năm 2025, thị trấn phấn đấu 100% nghiệp vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, TTHC đều được xử lý ở dạng số trên môi trường mạng. Phần lớn các nhu cầu phục vụ lao động sản xuất, đời sống của người dân được thực hiện thông qua các nền tảng CNTT thông minh khai thác các cơ sở dữ liệu số”.
Theo ghi nhận của UBND huyện Kỳ Sơn, quá trình CCHC, chuyển đổi số tại thị trấn Mường Xén đã giảm thiểu chi phí, công sức, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Lấy chuyển đổi số làm động lực phát triển
Chuyển đổi số giúp tăng hiệu quả tuyên truyền của các Đài truyền thanh cơ sở tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh Hồng Sơn
Kỳ Sơn là huyện biên giới, miền núi cao của tỉnh Nghệ An. Từ trung tâm huyện đi về TP Vinh là 250km, giao thông đi lại nhiều vùng rất khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo rất cao, người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Phó Chủ tịch UNDN huyện Kỳ Sơn Thò Bá Rê chia sẻ: “Xuất phát từ thực tế vùng đặc biệt khó khăn, chúng tôi xác định phải tập trung CCHC, chuyển đổi số để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong việc đi lại, xử lý, chờ đợi các TTHC, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội”.
Xác định mục tiêu nói trên, huyện tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng cơ sở dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Người dân làm thủ tục hành chính tại trụ sở công an xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn). Ảnh: Hồng Sơn
Đến nay, tại Kỳ Sơn, 281 TTHC cấp huyện, trong đó có 263 TTHC được thực hiện theo cơ chế một cửa, 103 TTHC cấp xã trong đó có 89 TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa. 100% TTHC tiếp nhận và giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và niêm yết công khai, rút ngắn thời gian giải quyết nhiều TTHC.
100% cán bộ, công chức có hộp thư điện tử, lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và xã được cấp chữ ký số, 156 TTHC công khai trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 46 TTHC mức độ 2, 15 thủ tục mức độ 3 và 95 thủ tục mức độ 4.
Đến nay, toàn huyện đã tổ chức 42 cuộc giao ban trực tuyến giữa UBND huyện với 21 xã, thị trấn. Hạ tầng mạng viễn thông phát triển đến tất cả trung tâm các xã và được kết nối Internet, đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng dùng chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Là địa bàn đặc biệt khó khăn, Kỳ Sơn xác định phải đi tắt đón đầu bằng cải cách mạnh mẽ TTHC, chuyển đổi số gắn với đổi mới, sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Những kết quả trong thời gian qua chỉ là bước đầu, để đạt được mục tiêu bắt kịp nhịp phát triển chung cần sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Đây là điều mà lãnh đạo huyện thường xuyên quán triệt, nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị, cơ quan và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn”.